Các Lễ Hội Truyền Thống Ở Hà Nội

Thăng Long – Hà Nội là một trong ba vùng tập trung nhiều hội lễ của miền Bắc Việt Nam, cùng với vùng đất tổ Phú Thọ và xứ Kinh Bắc. Cũng như các vùng đất khác, những lễ hội truyền thống ở khu vực Hà Nội được tổ chức nhiều nhất vào mùa xuân. Phần nhiều các lễ hội tưởng nhớ những nhân vật lịch sử, truyền thuyết như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Quang Trung, An Dương Vương…

Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm

Một vài lễ hội có tổ chức những trò chơi dân gian độc đáo như hội thổi cơm thi làng Thị Cấm, hội bơi cạn và bắt chạch làng Hồ, hội chạy cờ làng Đơ Thao, lễ hội thả diều truyền thống Bá Giang.

Lễ hội Bình Đà, một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tại Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội

Lễ hội Bình Đà, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội, được tổ chức hàng năm tại làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Đây là lễ hội cổ truyền từ xa xưa, một trong những lễ hội lớn nhất trong vùng và cả nước. Lễ hội kéo dài từ ngày 24 tháng 2 đến ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm kết hợp lễ tưởng nhớ Quốc tổ Lạc Long Quân, và Thành Hoàng Làng Linh Lang Đại Vương đã có nhiều công đức trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Với lòng thành kính, từ hàng nghìn năm nay, người dân Bình Đà đã duy trì lễ hội truyền thống với những hình thức thực hành tín ngưỡng độc đáo. Nghi thức thả bánh thánh đặc biệt và thần bí, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử – văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo các thế hệ dân cư trong vùng và địa phương khác về dự hội. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh lập địa.

Từ ngày 9 dến 12 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Triều Khúc được tổ chức tại ngôi làng cùng tên, thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, nơi có nghề làm nón quai thao và may các đồ thờ như lọng, tàn, trướng, y môn, tán tía. Lễ hội được mở đầu bằng lễ rước long bào từ đình Sắc về đình Lớn. Khi cuộc tế lễ trong đình bắt đầu thì ngoài sân đình các trò vui cũng được tổ chức. Một trong những trò vui được nhiều người ưa thích nhất là trò “con đĩ đánh bồng”. Đĩ đánh bồng do hai nam thanh niên mặc trang phục nữ giới biểu diễn, nhún nhảy và đánh chiếc trống Bồng đeo trước bụng. Nhiều trò vui khác như múa lân hí cầu, đấu vật, hát Chèo Tàu sẽ được tổ chức cho tới ngày 12, hội kết thúc bằng lễ rã đám.

Một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ là lễ hội Thánh Gióng hay còn gọi là hội làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, xuất phát từ một câu truyện truyền thuyết về Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Vào 9 tháng 4 âm lịch hàng năm, những người dân ở khắp nơi tụ hội về đây tham dự, xem lễ hội làng. Lễ hội làng Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu và chùa Kiến Sơ. Bắt đầu từ ngày 6, người dân làng tổ chức rước lễ rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay lên đền Thượng và ngày chính hội tổ chức hội trận, tái hiện cảnh Thánh Gióng phá giặc Ân. Các ngày từ 10 đến 12 được tiếp nối bằng các lễ rửa khí giới, rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo. Ngoài lễ hội chính tại làng Phù Đổng, một vài nơi khác cũng tổ chức hội Gióng như hội đền Sóc ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, hội Sóc Sơn ở huyện Sóc Sơn, hội Phù Thánh Gióng ở làng Chi Nam, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.

Trong nội ô thành phố, vào ngày 5 Tết Nguyên Đán, lễ hội Đống Đa được tổ chức ở gò Đống Đa, thuộc quận Đống Đa. Địa điểm này từng là nơi diễn ra trận đánh giữa nhà Tây Sơn và quân Thanh vào đêm 4 rạng ngày 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu, tức 1789. Lễ hội Đống Đa được tổ chức với nhiều trò vui, trong đó tiết mục rước rồng lửa do thanh niên mặc quần áo võ sinh thời cổ rước đi quanh sân lớn, cùng một đám võ sinh múa côn quyền tái hiện hình ảnh của quá khứ.

Ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, lễ hội chùa Hương tấp nập du khách từ giữa tháng 1 tới tận tháng 3 âm lịch, nhưng đông nhất vào khoảng từ ngày rằm tháng giêng đến 18 tháng 2. Với cảnh núi non, sông nước cùng quần thể di tích chùa Hương, lễ hội là điểm đến của các tăng ni, phật tử, những người hành hương và khách du lịch. Theo hành trình phổ biến, khách trẩy hội thường bắt đầu từ bến Đục, ngồi đò theo dòng suối Yến ghé lễ đền Trình. Từ đó, du khách tiếp tục đi qua cầu Hội, hang Sơn thủy hữu tình, núi Đồi Chèo, núi Con Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà… Rồi cập bến vào chùa Thiên Trù. Từ đây, du khách bắt đầu hành trình đi bộ thăm chùa Tiên, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và đến đệ nhất động Hương Tích. Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất Việt Nam.

 

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_N%E1%BB%99i#Du_l%E1%BB%8Bch

Share